Thực hiện chương trình hoạt động của năm học 2019-2020, Ban thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt nam (CĐGDVN) đã ban hành hướng dẫn số 02/HD-CĐN ngày 05/11/2019, CĐGDVN đã tổ chức một chuỗi các hoạt động: Thầy cô chúng ta cùng thay đổi, Hiệu trưởng thay đổi, thầy cô trong mắt em, trường học hạnh phúc. Công đoàn trường đã tổ chức hoạt động giảng dạy theo hướng đổi mới sáng tạo, con người giữ vai trò trung tâm, với mục đích nhằm tuyên truyền, động viên, hỗ trợ giảng viên trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng công tác đào tạo,… trong giai đoạn Nhà trường tiến tới tự chủ Đại học. Các hoạt động này nhằm phát hiện những gương điển hình tiên tiến để ghi nhận, tôn vinh và đề xuất với các cấp khen thưởng. Đổi mới giảng dạy dựa trên thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng tôn trọng và phát huy tính đặc thù của Nhà trường.
Với sự tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, cùng những ưu thế vốn có về giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã đặt ra lộ trình đổi mới hoạt động giảng dạy trong năm học 2019-2020, Hội nghị tổng kết hoạt động diễn ra vào ngày 29/6/2020 vừa qua. Với mục tiêu như vậy, chúng tôi đã phối hợp với khoa chuyên môn thực hiện kế hoạch này với từng giai đoạn:
+ Đầu tiên hỗ trợ các thầy cô về lập kế hoạch giảng dạy đối với một học phần;
Một số hình ảnh thầy cô hỗ trợ lập kế hoạch giảng dạy đối với một học phần.
+ Song song việc hỗ trợ các thầy cô lập kế hoạch, chúng tôi tiến hành ghi hình lần 1 trước khi thầy cô tham gia hoạt động;
+ Sau khi hoàn thành kế hoạch giảng dạy, giáo viên chuyên môn hỗ trợ các thầy cô công tác tổ chức thực hiện kế hoạch trên lớp;
Một số hình ảnh các thầy cô trong buổi ghi hình lần 2
+ Sau khi các thầy cô có thể làm chủ kế hoạch giảng dạy, chúng tôi tiến hành Ghi hình lần 2 với mục đích để mỗi thầy cô cảm nhận được sự thay đổi của mình khi tham gia hoạt động này.
Tại hội nghị Tổng kết hoạt động đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, đồng chí Nguyễn Thị Thúy chủ tịch Công đoàn trường nhấn mạnh, Khi khoa học và công nghệ ngày càng chinh phục những đỉnh cao mới trong nền công nghiệp 4.0, sự phát triển của mỗi quốc gia tỷ lệ thuận với chất lượng của các cơ sở giáo dục cũng như nguồn nhân lực mà các cơ sở này đào tạo ra. Giáo dục và đào tạo luôn được coi là một tiền đề lớn để trù bị một lực lượng lao động chất lượng cao cho tương lai. Để những nhân lực trẻ có thể chuyển mình mạnh mẽ ngay từ khi ngồi trên giảng đường thì một trong những nhân tố quan trọng đó là đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, coi đó như sự sống còn và một yếu tố cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo, nhằm nâng cao vị thế chung của toàn hệ thống giáo dục.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hợp-Phụ trách khoa SPKT báo cáo tổng kết quả triển khai hoạt động “Đổi mới Phương pháp giảng dạy”
Giảng viên Hoàng Thị Giang chia sẻ khi tham gia hoạt động
Đại diện giảng viên tham gia hoạt động, cô Hoàng Thị Giang -giảng viên khoa Lý luận chính trị chia sẻ: “Tham gia hoạt động này, là cơ hội để tôi nhìn nhận lại cách làm việc của bản thân và thay đổi chính mình. Tôi nhận ra rằng: cách giáo viên tổ chức hoạt động học tập trên lớp và hướng dẫn sinh viên tự học có vai trò quan trọng trong hoạt động học tập của học trò. Khi người học được chủ động tìm hiểu nội dung, trình bày nội dung đã chuẩn bị và được thể hiện quan điểm cá nhân là một cách để phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo. Khi sử dụng phương pháp này, tôi thấy học trò của mình có rất nhiều khả năng, điều quan trọng là mình khái thác được hết khả năng của học trò chưa? mà thôi. Dẫu biết rằng mỗi môn học có đặc thù riêng nhưng tôi tin với tình yêu nghề, sự tận tâm với công việc và mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học trò, các thầy cô sẽ tìm ra phương pháp phù hợp để kích thích khả năng sáng tạo của học trò, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay”.
Công đoàn trường trao tặng giấy khen, giấy chứng nhận
Căn cứ vào kết quả hoạt động này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sẽ xây dựng đề án và lộ trình chi tiết đổi mới hoạt động giảng dạy, tập trung vào các nội dung chính là đề xuất các phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc thù đơn vị, mở rộng và số hóa hệ thống học liệu và đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất thông minh. Các phương pháp giảng dạy được đề xuất cần theo các định hướng: thứ nhất, vận dụng tối đa các phương tiện hỗ trợ dạy và học, đặc biệt là các phương tiện gắn với công nghệ thông tin, đa phương tiện; thứ hai, tận dụng lợi thế của phương thức đào tạo theo tín chỉ và phát huy thế mạnh của Đại học SPKT Hưng Yên ở tính liên thông, liên kết và liên lĩnh vực; thứ ba, phát huy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp của người học; thứ tư, thí điểm áp dụng mô hình đào tạo theo hướng cá thể hóa (đào tạo tài năng, chất lượng cao). Bên cạnh giải pháp nội tại, ĐHSPKTHY cũng sẽ nghiên cứu, học hỏi phương pháp giảng dạy ở một số đại học tiên tiến trong nước và trên thế giới thông qua việc mời chuyên gia tư vấn và cử giảng viên đi học hỏi.
Thông qua hoạt động này, công đoàn trường tuyên truyền rộng rãi và nhân rộng các mô hình, sáng kiến hay của quý Thầy/Cô để tạo sự lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực đến việc tạo bước chuyển biến trong nhận thức và quyết tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới. Hoạt động này vừa đi trước một bước, vừa song hành với đổi mới hoạt động giảng dạy của ĐHSPKTHY, cần đa dạng các hình thức truyền thông, nhân rộng những tấm gương giảng viên tiêu biểu để tất cả mọi người thấy được việc đổi mới không của riêng mỗi cá nhân và ai cũng có thể đổi mới theo từng điều kiện.
Nguồn tin từ Văn phòng Công đoàn trường