VAI TRÒ CỦA CỐ VẤN HỌC TẬP TRONG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

           Cố vấn học tập”, “giáo viên chủ nhiệm”, có vai trò đặc biệt quan trọng trong mô hình đào tạo theo tín chỉ và ảnh hưởng lớn đến sự thành công trong học tập, rèn luyện của sinh viên. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đang áp dụng mô hình Giáo viên chủ nhiện kiêm Cố vấn học tập. Vai trò của GVCN kiêm CVHT được quy định cụ thể tại Quy định về Công tác GVCN kiêm CVHT Ban hành kèm theo Quyết định số 642 /QĐ-ĐHSPKT ngày 23 tháng 02 năm 2017 của Hiệu trưởng, theo đó GVCN kiêm CVHT (GVCN) thay mặt Nhà trường tổ chức, quản lý, tư vấn và hỗ trợ sinh viên phát huy tối đa khả năng học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học; theo dõi quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên nhằm giúp sinh viên điều chỉnh kịp thời hoặc đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong quá trình học tập, rèn luyện; giúp đỡ sinh viên trong các hoạt động học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức nhằm đạt được mục tiêu giáo dục và đào tạo.

          Trong những năm qua, trường Đại học SPKT Hưng Yên đã xây dựng đội ngũ các thầy cô làm công tác GVCN chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, là cầu nối giữa Nhà trường với sinh viên và phụ huynh. Có thể kể ra những tấm gương tiêu biểu về công tác GVCN trong những năm vừa qua như thầy Đỗ Xuân Hưng, giảng viên khoa Cơ khí, cô Đào Thị Hương, giảng viên khoa Kinh tế và thầy Luyện Văn Hiếu, giảng viên khoa Cơ khí động lực.

          Điểm chung của cả ba thầy cô trên đều là những giảng viên tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác GVCN. Các thầy cô không chỉ làm tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của GVCN. Với tinh thần trách nhiệm và tình cảm đặc biệt dành cho các thế hệ sinh viên, các thầy cô luôn đồng hành cùng sinh viên trong mọi hoạt động học tập cũng như sinh hoạt ngoại khóa. Với sinh viên lớp chủ nhiệm, thầy cô không chỉ là một giảng viên mà còn là người cha, người mẹ hết lòng yêu thương. Vì vậy lớp của các thầy cô chủ nhiệm luôn đạt thành tích cao trong học tập cũng như phong trào thi đua.

          Khi được hỏi về những kinh nghiệm trong công tác GVCN, thầy Đỗ Xuân Hưng đã chia sẻ như sau: Để đạt được kết quả đó, với mỗi lớp chủ nhiệm thầy đều lập nhóm zalo của sinh viên, zalo của phụ huynh để thường xuyên trao đổi những thông tin liên quan đến kế hoạch học tập, học phí, lịch học… của các em. Thầy thường chủ động liên lạc với giáo viên giảng dạy học phần để nắm tình hình (chú ý những sinh viên cá biệt) để có biện pháp tư vấn, giúp đỡ phù hợp. Để theo dõi tình hình lớp, thầy thường xuyên liên lạc với lớp trưởng và Ban cán sự lớp để nắm tình hình. Theo thầy, Ban cán sự lớp là cánh tay đắc lực trong việc quản lý lớp học. Khi không có giờ lên lớp, thầy thường đến phòng học của lớp chủ nhiệm để gặp giáo viên dạy môn, kiểm tra, nắm bắt tình hình (vào giờ ra chơi). Việc này giúp thầy nắm bắt tình hình và chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc của sinh viên trong lớp (từ việc chỉnh đốn tinh thần, thái độ học tập đến việc tư vấn, uốn nắn về phương pháp học tập...), đồng thời cũng là để "hợp lý hóa" thông tin do lớp trưởng cung cấp.

          Đối với thầy Luyện Văn Hiếu, giảng viên khoa Cơ khí động lực thì việc xây dựng tính đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ nhau của các thành viên trong tập thể lớp chính là yếu tố tiên quyết làm nên một tập thể vững mạnh. Tuy nhiên, để làm được điều này là không hề đơn giản; ngay từ những ngày đầu tiên, GVCN cần biết cách tạo ra các hoạt động (thành lập đội bóng đá, đội văn nghệ) để các bạn sinh viên có cơ hội tìm hiểu, giao lưu với nhau và với chính GVCN thông qua việc dành thời gian để trò chuyện, hỏi han các em có những gì điều gì hay, đã nghiên cứu được điều gì.... chia sẻ với thầy cô và các bạn trong lớp. Dần dần các em sẽ trở nên dạn dĩ, biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

Thầy Luyện Văn Hiếu bên sinh viên lớp chủ nhiệm

          Bên cạnh việc đồng hành cùng sinh viên trong học tập, thầy còn là người gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm cũng như những khả năng khác của sinh viên. Từ đó, Thầy định hướng cho sinh viên tham gia các câu lạc bộ phù hợp với khả năng và góp phần đưa hoạt động phong trào của lớp phát triển. Các sinh viên lớp thầy chủ nhiệm luôn có sự kết hợp hài hòa giữa học tập và thi đua. Từ đó tạo nên một tập thể đoàn kết và vững mạnh.

          Cô Đào Thị Hương, giảng viên khoa Kinh tế cho rằng: GVCN là một nhiệm vụ không thể thiếu trong các trường đại học. Vì vậy, người GVCN có vai trò rất quan trọng, họ là người thay mặt Ban giám hiệu, Trưởng khoa quản lý, giúp đỡ sinh viên trong việc học tập rèn luyện bản thân. Bên cạnh đó GVCN cũng là những người bạn đồng hành, gần gũi nhất của sinh viên. Những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em, GVCN đều là người biết và hiểu rõ để tư vấn và tận tình giúp đỡ khi các em cần. Vì vậy để làm tốt nhiệm vụ của một GVCN đòi hỏi người giáo viên ngoài kiến thức, kỹ năng sư phạm tốt cần phải có nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, tình cảm yêu thương, sự kiên nhẫn và am hiểu về tâm lý lứa tuổi sinh viên.

Với sự quan tâm, đồng hành của cô Hương cùng sinh viên lớp chủ nhiệm, trong những năm qua, các lớp cô chủ nhiệm luôn đạt “Lớp sinh viên tiên tiến”, “Lớp sinh viên xuất sắc”, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm đạt 100%. Tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay khi ra trường đạt trên 90%, có nhiều SV được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay từ khi còn ngồi trên ghế Nhà trường. Những phong trào đoàn, hội do Khoa và Trường tổ chức đều có những sinh viên ưu tú của lớp tham gia.

Cô Đào Thị Hương dự đại hội chi đoàn lớp chủ nhiệm

Cô Hương xúc động chia sẻ: Trong quá trình chủ nhiệm lớp, có rất nhiều bạn sinh viên gặp vấn đề về tâm lý, chuyện tình cảm của sinh viên, muốn bỏ học giữa chừng, có bạn thì chưa tìm được phương pháp học, mải chơi game… làm sức học sa sút, phải học lại làm các bạn nản chí. Những lúc như vậy, tôi cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ và động viên để các em vượt qua để tiếp tục hoàn thành chương trình học của mình. Nhìn thấy các em ra trường, trưởng thành hơn là nguồn động viên để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Đồng hành cùng SV trong những chuyến trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp

          Công tác GVCN là công việc vất vả, tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự tận tâm của mỗi thầy cô. Những chia sẻ của thầy Hưng, thày Hiếu và cô Hương tưởng chừng rất đơn giản nhưng để làm được những điều đó đòi hỏi GVCN phải dành nhiều sự quan tâm. Cám ơn những chia sẻ rất hữu ích của thầy cô, kính chúc thầy cô nhiều sức khỏe, luôn yêu nghề và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục./.

         

 

Liên kết