VIÊM THANH QUẢN CẤP Ở TRẺ MÙA LẠNH, DẤU HIỆU CẦN NHẬP VIỆN NGAY

Viêm thanh quản cấp là bệnh lý viêm cấp tại niêm mạc màng nhầy thanh quản. Biểu hiện đặc trưng bởi khàn tiếng hoặc mất tiếng do hiện tượng viêm tại dây thanh âm. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, hay gặp nhất là giai đoạn 7 - 36 tháng.

Viêm thanh quản cấp tính là một bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nếu không được chữa trị đúng, kịp thời sẽ trở thành bệnh mạn tính gây khó khăn cho điều trị và người bệnh gặp nhiều phiền toái, nhất là khi giao tiếp.

Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp ở trẻ

Viêm thanh quản cấp ở trẻ do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do virus, chiếm khoảng 75%, thường gặp là virus cúm và cúm A, hiếm gặp hơn có thể là do Adenovirus, vi khuẩn hoặc nấm.

Ở một số trường hợp khi trẻ nói quá nhiều, nói to hay hít phải khói thuốc lá, phản ứng dị ứng với bụi hoặc phấn hoa… cũng có thể thúc đẩy viêm thanh quản cấp.

Các nghiên cứu ghi nhận hầu hết các trường hợp viêm thanh quản là do nhiễm virus tạm thời và không nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng khàn tiếng kéo dài đôi khi được xem là báo hiệu một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.

Trên thực tế, ở trẻ em viêm thanh quản cấp còn do sau viêm đường hô hấp như: Viêm mũi xoang, viêm Amidan, viêm VA… dẫn đến tình trạng này.

Viêm thanh quản cấp ở trẻ do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do virus.

Biểu hiện viêm thanh quản cấp ở trẻ

Tùy thuộc độ tuổi, mức độ bệnh, nguyên nhân gây bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau.

Ở trẻ lớn các biểu hiện thường thấy là đau họng, khàn tiếng hoặc mất tiếng, nếu là trẻ nhỏ các biểu hiện thường nặng nề hơn. Kèm theo đó là tình trạng sốt, chảy nước mũi, triệu chứng giống cúm.

Trẻ có biểu hiện họng đau, khô, có thể có hạch cổ, hạch dưới hàm, buồn nôn, nôn, khó nuốt… nếu tình trạng nặng sẽ có dấu hiệu suy hô hấp.

Có thể chia viêm thanh quản cấp với mức độ có cơn khó thở:

- Đối với mức độ 1: Ở mức độ này các biểu hiện nhẹ nhất trẻ sẽ có ho, khàn tiếng, có tiếng thở rít khi khóc. Tình trạng này trẻ chưa phải nhập viện, chỉ cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi và điều trị tại nhà.

- Đối với mức độ 2: Mức độ trung bình, khi đó trẻ thở rít khi nằm yên, khó thở, thở nhanh, co lõm. Với tình trạng này cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị.

- Đối với mức độ 3: Trẻ có biểu hiện nặng hơn nên sẽ bị thở rít khi nằm yên, khó thở nặng, kích thích, vật vã, tím tái. Lúc này trẻ bị tắc nghẽn hô hấp, sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Khi có các biểu hiện lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm, chụp X-quang, nội soi thanh quản để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Về điều trị thì tùy thuộc vào trẻ và độ tuổi, nguyên nhân gây bệnh, mức độ của bệnh… các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Với nguyên tắc điều trị nội khoa, chống viêm, chống phù nề, nếu nặng thì cần đặt nội khí quản.

Cách chăm sóc khi trẻ bị viêm thanh quản cấp

Khi trẻ mắc bệnh viêm thanh quản cần nói càng ít càng tốt, tránh để trẻ quấy khóc nhiều, vì sẽ làm tổn thương thanh quản, khản giọng thêm trầm trọng.

Cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm lỏng, giữ cho không khí đủ độ ẩm, tránh khói bụi, khói thuốc lá.

Lưu ý theo dõi nhiệt độ, tình trạng của trẻ, các dấu hiệu khi bệnh trở nặng là khó thở, bỏ ăn, li bì hoặc kích thích...

Khi có dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Để phòng ngừa viêm thanh quản cấp, cần:

Tránh cho trẻ la hét, nói nhiều và cho trẻ uống nhiều nước.

Chế độ dinh dưỡng cũng cần chú ý, bổ sung cho trẻ các loại rau củ, trái cây, thực phẩm chứa nhiều vitamin A, E, C, giúp chất nhầy dây thanh âm hoạt động tốt.

Những người trong gia đình không nên hút thuốc lá, để tránh cho trẻ hít phải khói thuốc, vì sẽ làm khô và kích thích dây thanh âm.

Vào thời điểm giao mùa trở lạnh, khí hậu luôn thay đổi, cha mẹ nên lưu ý giữ ấm cho trẻ, tránh khói, bụi tiếp xúc với đường hô hấp.

Nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Liên kết