NGƯỜI THẦY VỚI NHỮNG KHÁT KHAO ĐỔI MỚI VÀ SÁNG TẠO

          Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính Phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú”. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang gắn liền với sự nghiệp của những người làm thầy. Nhưng tuỳ theo hoàn cảnh khác nhau, nhiệm vụ của người thầy giáo được cụ thể hoá.

          Hoà trong không khí cả nước hân hoan đón Xuân Quý Mão, tôi vinh dự được gặp gỡ thầy giáo Lê Thành Sơn, giảng viên chuyên ngành Điều khiển – Tự động hóa thuộc khoa Điện- Điện Tử trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ấn tượng đầu tiên khi gặp thầy là sự giản dị, gần gũi, khiêm tốn và nụ cười thường trực trên môi. Trò chuyện với thầy, tôi được biết thầy là cựu sinh viên Khoa Điện – Điện tử Khóa 3 trường Đại học SPKT Hưng Yên. Với 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, thầy luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp trong từng bài giảng để truyền thụ cho sinh viên tiếp thu bài bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất và dễ hiểu nhất nhưng lại vô cùng sinh động khiến người học rất thích thú. Thầy giáo Lê Thành Sơn là một giảng viên giàu nhiệt huyết, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy.

Thầy Lê Thành Sơn, giảng viên khoa Điệniện tử trường Đại học SPKT Hưng Yên

          Một trong những sáng tạo của thầy là đã xây dựng kênh YouTube mang tên mình. Năm 2020, khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát, người học không thể đến trường, hoạt động giáo dục từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến với nhiều những khó khăn và bỡ ngỡ đối với cả xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Với những hiểu biết về công nghệ và đam mê cống hiến đã trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc thầy xây dựng kênh YouTube, với mong muốn mang đến những tri thức hữu ích cho người học.

Kênh Youtube do Thầy Sơn xây dựng

          Với cách tiếp cận giáo dục sáng tạo, thầy nhận thấy sinh viên thường tìm hiểu nội dung bài học qua hai kênh thông tin là: Bài giảng trực tiếp trên lớp và trên Internet. Nếu như bài giảng trực tiếp trên lớp có thời gian và không gian được giới hạn thì bài giảng trên không gian số lại vô cùng rộng mở. Những ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, buộc con người phải thích nghi trong mọi điều kiện và hoàn cảnh. Giáo dục cũng vậy. Để thích nghi và tiếp tục phát triển, giáo dục cần kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, ta phải ưu tiên phát triển giáo dục trực tuyến. Bước đầu tiên nhằm giúp việc chuyển sang giáo dục trực tuyến dễ dàng hơn là sử dụng nền tảng kỹ thuật số và áp dụng những kỹ thuật hiệu quả cho dạy và học trực tuyến.

          Là người đồng hành cùng sinh viên nhiều năm qua, thầy Sơn nắm bắt được tâm lý và thói quen của các bạn trẻ. Hiện nay, giới trẻ dùng nhiều thời gian trên không gian mạng, vì vậy nếu xây dựng được các bài giảng số sẽ giúp cho người học tiếp cận được kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt trong thời kỳ giãn cách, người học không thể tới trường thì những bài giảng số sẽ trở nên hữu ích rất nhiều.

          Thầy Sơn chia sẻ ở những bài giảng số, chúng ta có thể thấy những điểm tích cực mà nó mang lại cho cả người dạy và người học. Về phía người dạy, để chuẩn bị cho một bài giảng trên kênh YouTube, thầy Sơn phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nội dung kiến thức, thời lượng, cách diễn đạt và các phương tiện truyền đạt. Vì phải đảm bảo làm sao để bài giảng chi tiết nhất, dễ hiểu nhất và ngắn gọn nhất để tiết kiệm thời gian. Đối với người học, bài giảng số giúp họ có thể xem đi xem lại, lựa chọn thời gian học phù hợp nhất với mình.

Bài giảng trên kênh Youtube của Thầy Sơn có số lượt xem và tương tác cao

          Trò chuyện với thầy Sơn, tôi mới hiểu mục đích của thầy khi xây dựng kênh YouTube là do kiến thức chuyên ngành khá trừu tượng, khiến nhiều sinh viên chưa hiểu bài ngay trên lớp. Do đó các bài giảng số là công cụ hữu hiệu giúp người học có thể tự học, tự nghiên cứu. Từ đó nâng cao chất lượng học tập. Khi xây dựng các bài giảng bằng các video trên YouTube, thầy Sơn mong muốn có thể giúp nhiều người, ở nhiều vùng miền khác nhau có thể tiếp cận được những kiến thức mà thầy chia sẻ. Đặc biệt là đối với những người không có điều kiện tới trường học tập hoặc những người muốn tự học và tự nghiên cứu tại nhà. Với mỗi video chia sẻ, thầy luôn tâm niệm đó là một phương thức giúp thầy có thể trao đổi về phương pháp học tập và cách thức tiếp cận kiến thức chuyên ngành với các bạn sinh viên, với các anh chị em đồng nghiệp ở Việt Nam nói riêng và không gian số nói chung.

Một bình luận trên kênh Youtube của người học cảm ơn thầy Sơn

          Sau 2 năm cống hiến hăng say, thầy Sơn đã chia sẻ 40 bài giảng trên kênh của mình, thu hút khoảng 6000 người đăng ký. Trung bình mỗi video thầy đăng tải thu hút khoảng 5K lượt xem, video có lượt xem nhiều nhất lên tới 40K lượt xem, số lượng người đăng ký kênh gia tăng đáng kể theo từng tháng. Đây là những con số biết nói về những đóng góp của Thầy Sơn đối với chuyên ngành Điều khiển và tự động hóa những kiến thức thầy chia sẻ không chỉ giúp cho các bạn sinh viên UTEHY mà còn giúp cho các bạn sinh viên trên cả nước có một kênh học tập trực tuyến hoàn toàn miễn phí và bổ ích. Khi vào kênh YouTube của thầy, tôi đã đọc được rất nhiều những bình luận cảm ơn, những bình luận tích cực về bài giảng của thầy từ các bạn trẻ.

Có thể thấy, để xây dựng được kênh YouTube dành cho các bạn sinh viên đam mê học tập và nghiên cứu về điều khiển và tự động hóa là cả sự sáng tạo, say mê và tâm huyết của một nhà giáo tận tâm. Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, kính chúc thầy Sơn và gia đình nhiều sức khỏe. Kính chúc thầy tiếp tục xây dựng và phát triển kênh YouTube của mình để có thể mang kiến thức đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa./.

Liên kết