Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, chị Hoàng Thị Loan (Khoa Công nghệ và Môi trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) đã hoàn thành luận án tiến sĩ về lĩnh vực công nghệ sinh học khi tham gia thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước (mã số ĐT.ĐL.G36 - 2012). Chị đóng vai trò là một trong các thành viên nghiên cứu chủ chốt. Giống lúa HY198 do chị là tác giả, nghiên cứu chính đã và đang được lưu hành tại các tỉnh phía Bắc. Đây không chỉ là một trong những thành công của đề tài mà còn mang dấu ấn thành công của chị. Đề tài của chị được Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, công nhận là một trong những sáng kiến tiêu biểu của chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển”.
Nâng niu hạt gạo thon, dài trên tay, chị Hoàng Thị Loan bồi hồi nhớ lại những gian nan từ ngày đầu nghiên cứu đến khi giống HY198 được bà con nông dân công nhận. Chị đã phải đi rất nhiều tỉnh, thành phố, học hỏi nhiều chuyên gia và những người nông dân.
Giống lúa HY198 do chị và các cộng sự nghiên cứu, chọn tạo, phát triển là một giống lúa thuần, cho năng suất cao, có hương thơm nhẹ, khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Chất lượng gạo tương đương với nhiều loại được người tiêu dùng ưa chuộng hiện nay.
Đề tài nghiên cứu đến với chị cũng hết sức tình cờ. Năm 2013, khi bắt đầu làm nghiên cứu sinh, chị Hoàng Thị Loan được GS.TSKH Trần Duy Quý gợi ý về nhu cầu cần thiết nghiên cứu và phát triển giống lúa thơm, chất lượng cao cho khu vực phía Bắc.
“Thầy rất trăn trở về việc phát triển giống lúa này. Bởi khi ấy, trong nước có giống ST9 trồng ở phía Nam phát triển rất tốt. Nhưng khi đưa ra Bắc, do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác biệt, sản lượng và chất lượng đã suy giảm rõ rệt. Ý tưởng này đã được GS. TS. Trần Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên xây dựng thành đề tài và được Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng, cấp mã số ĐT.ĐL.G36 - 2012” - chị Loan chia sẻ.
Từ những chỉ dẫn đó, chị đã tìm tòi, lắng nghe và quyết định sử dụng các tác nhân để gây đột biến với giống ST19 nhằm tìm ra một số dòng lúa khắc phục được những nhược điểm nó khi trồng ở miền Bắc. Giống ST19 chính là một trong những giống ngon được GS.TSKH. Trần Duy Quý và cộng sự nghiên cứu, phát triển.
“Trong quá trình chọn tạo, tôi đã chọn được dòng HY198 đột biến từ giống ST19 và gửi khảo nghiệm tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng quốc gia. Tên gọi của giống lúa HY198 là tên quê hương tôi” – chị Loan tâm sự.
Giống HY198 đã được khảo nghiệm quốc gia qua 2 vụ, vụ mùa 2017, vụ mùa 2018, về tính khác biệt, tính đồng nhất (khảo nghiệm DUS).
Kết quả khảo nghiệm về giá trị canh tác và sử dụng qua 3 vụ: Xuân 2017, Mùa 2017 và Xuân 2018 (khảo nghiệm VCU) và khảo nghiệm sản xuất tại các tỉnh phía Bắc cho thấy, giống HY198 có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ Mùa từ 110 – 120 ngày, vụ Xuân 125 - 135 ngày), cao cây (trung bình 110 – 120 cm), cứng cây, bộ lá xanh, đứng, góc lá hẹp, đẻ nhánh khá, bông to, hạt xếp xít, hạt màu vàng đậm, khối lượng 1.000 hạt (P1000) đạt 20 - 21g.
|