Viêm họng thông thường và viêm họng do liên cầu khuẩn dễ bị nhầm lẫn do một số triệu chứng khá giống nhau. Tuy nhiên, viêm họng do liên cầu khuẩn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Viêm họng chỉ tình trạng cổ họng bị đau, khô hoặc cảm thấy bị cộm trong cổ. Viêm họng có thể do virus, vi khuẩn, khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Các bệnh viêm họng thường gặp như viêm họng hạt, viêm họng bạch hầu, viêm họng xung huyết, viêm họng cấp, viêm họng liên cầu khuẩn, …
Các tình trạng viêm họng có thể dễ nhầm lẫn với nhau khi không có các triệu chứng đặc trưng. Vậy làm thế nào để phân biệt viêm họng thông thường và viêm họng liên cầu khuẩn?
1. Tìm hiểu về viêm họng thông thường và viêm họng do liên cầu khuẩn
Viêm họng thông thường là do các loại virus cảm lạnh, cảm cúm thông thường hoặc các bệnh nhiễm virus gây ra như COVID-19.
Viêm họng liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây viêm và đau ở cổ họng.
Viêm họng liên cầu khuẩn phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 5 đến 15.
Nếu không được điều trị đúng cách, viêm họng liên cầu khuẩn có thể gây ra các biến chứng, chẳng hạn như viêm thận hoặc sốt thấp khớp. Sốt thấp khớp có thể dẫn đến đau và viêm khớp, một loại phát ban cụ thể hoặc tổn thương van tim.
2. Phân biệt viêm họng thông thường và viêm họng liên cầu khuẩn
Viêm họng thông thường và viêm họng do liên cầu khuẩn có thể được phân biệt và chẩn đoán qua triệu chứng, cụ thể:
- Viêm họng thông thường sẽ có các triệu chứng như: đau họng, khó nuốt, ho, chảy nước mũi, khàn giọng, đau đầu và đau nhức cơ thể, đau mắt đỏ (viêm kết mạc).
Trong hầu hết các trường hợp, đau họng do nhiễm virus sẽ tự cải thiện theo thời gian mà có thể không cần điều trị hoặc chỉ áp dụng những biện pháp dân gian.
- Đối với viêm họng do liên cầu khuẩn, các triệu chứng khởi phát nhanh hơn bao gồm sốt đột ngột trên 38 độ, ho khan hoặc có đờm, cổ họng đau, đỏ với các mảng trắng, đau đầu, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết ở cổ, phát ban (nhưng hầu hết những người bị nhiễm liên cầu khuẩn không bị phát ban).
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác nhất, mọi người nên đến bệnh viện để được thăm khám và làm các xét nghiệm.
3. Điều trị viêm họng thông thường và viêm họng liên cầu khuẩn giống nhau không?
Viêm họng thông thường và viêm họng do liên cầu khuẩn có sự khác nhau khi dùng thuốc điều trị nhưng đều có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để làm giảm triệu chứng.
3.1. Điều trị viêm họng thông thường
Đối với tình trạng viêm họng thông thường, người bệnh dễ dàng cải thiện các triệu chứng bằng một số biện pháp tại nhà như:
- Súc miệng bằng nước muối ấm, các bạn có thể pha nửa muỗng cà phê muối với khoảng 250ml nước ấm, dùng súc miệng và họng trong vòng 30 giây, súc nhiều lần. Mỗi ngày nên súc miệng với nước muối 2 lần/ngày.
- Uống nước ấm hoặc nước mật ong, chanh gừng, … để làm dịu cơn đau họng.
- Dùng siro hoặc kẹo ngậm
- Có thể dùng thuốc theo đơn của bác sĩ nếu như tình trạng lâu ngày không thuyên giảm hoặc bạn cần điều trị nhanh, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin), aspirin (không dùng cho trẻ em), …
3.2. Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn
Đối với viêm họng do liên cầu khuẩn, đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị. Những loại thuốc này ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nhiễm trùng.
Một số loại kháng sinh mà bác sĩ có thể kê đơn như penicillin (uống hoặc tiêm bắp), amoxicillin (uống), cephalexin (uống), cefadroxil (uống), clindamycin (uống), clarithromycin (uống), azithromycin (uống)
Penicillin và amoxicillin là những loại thuốc phổ biến nhất được dùng cho nhiễm trùng liên cầu khuẩn. Nếu bạn bị dị ứng với penicillin hoặc amoxicillin, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc khác, chẳng hạn như kháng sinh azithromycin.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, hoàn thành liệu trình điều trị bằng kháng sinh để khắc phục hoàn toàn tình trạng nhiễm trùng để ngăn ngừa tình trạng tái phát và giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh.
Ngoài ra, các biện pháp để làm giảm các triệu viêm họng thông thường như súc miệng nước muối, dùng mật ong, gừng, dùng máy phun sương, … có thể áp dụng cho những trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn.
Súc miệng bằng nước muối là phương pháp làm dịu triệu chứng đau họng do tình trạng viêm họng gây ra (Ảnh: Internet)
4. Làm thế nào để ngăn ngừa viêm họng thông thường và viêm họng liên cầu khuẩn
Viêm họng thông thường do virus và liên cầu khuẩn đều lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi. Các giọt bắn này có thể lây trực tiếp sang người lành hoặc chúng có thể bám vào những bề mặt xung quanh. Khi người khoẻ mạnh chạm tay vào các bề mặt và nhiễm virus, vi khuẩn, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng sẽ làm cho vi khuẩn, virus xâm nhập và gây bệnh.
Vì vậy, cả 2 bệnh này đều có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp như:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc sát khuẩn với cồn
- Không dùng chung đồ uống hoặc thức ăn với người bị viêm họng liên cầu khuẩn hoặc có các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, covid-19 như ho, hắt hơi, sổ mũi, …
- Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, nhất là khi các bệnh truyền nhiễm đang gia tăng
- Tăng cường đề kháng với chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh. Chẳng hạn, các bạn nên tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin, Kẽm, Omega-3, Magie, …
Nhìn chung, viêm họng thông thường và viêm họng do liên cầu khuẩn đều gây ra những triệu chứng đau họng, khó nuốt, sốt, … Tuy nhiên, viêm họng do liên cầu khuẩn có một số điểm đặc trưng dễ nhận biết hơn như sốt cao đột ngột, trong cổ họng có các mảng trắng, sưng hạch bạch huyết ở cổ.
Để được chẩn đoán bệnh chính xác nhất, khi có các dấu hiệu viêm họng, tình trạng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống, các bạn nên đến bệnh viện thăm khám.
Theo phunuvietnam.vn