Thực hiện kế hoạch hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm 2021, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã phát động mô hình 5S trong nhà trường với mục tiêu hướng tới “Nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Từ đó đến nay việc thực hiện mô hình 5S trong nhà trường vẫn đang được duy trì.
Để triển khai thành công mô hình 5S trước hết phải có cam kết của lãnh đạo, cùng sự tham gia của tất cả các giảng viên và sinh viên, hơn nữa là phải có các hoạt động đánh giá, giám sát định kỳ, từ đó đảm bảo việc duy trì và nâng cao các kết quả đã đạt được.
Khoa Công nghệ May & Thời trang là một trong những đơn vị đi đầu trong việc duy trì và nâng cao mô hình 5S. Việc thực hiện và duy trì 5S không những được các Thầy/Cô trong khoa mà còn được lan tỏa đến từng sinh viên đang theo học tại khoa. Kết quả của việc thực hiện và duy trì mô hình 5S tại khoa đã làm thay đổi diện mạo, tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp hiệu quả.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thầy trưởng khoa - TS. Lưu Hoàng, Khoa đã xây dựng một bản tiêu chí đánh giá rõ ràng với một đội ngũ chuyên gia đủ năng lực để có thể tiến hành đánh giá 5S một cách hiệu quả và nhất quán.
Bản tiêu chí đánh giá bao gồm các hướng dẫn, các nguyên tắc tiến hành đánh giá 5S và phương pháp tính điểm cho từng nội dung/khu vực với mục đích:
- Loại trừ các vật dụng không cần thiết, chỗ làm việc sạch sẽ và được tổ chức tốt.
- Tiết kiệm, tránh lãng phí thời gian, công sức.
- Xây dựng môi trường làm việc an toàn, sạch sẽ.
- Tăng cường hiệu quả công việc, hạn chế sai sót.
- Cải tiến liên tục chất lượng công việc và chất lượng sản phẩm.
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức của giảng viên và sinh viên.
- Nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhân viên, tăng cường tinh thần làm việc đội, nhóm.
- "5S là một phần trong công việc hàng ngày".
Phạm vi ứng dụng bản tiêu chí đánh giá:
- Bộ môn và Trung tâm thuộc Khoa Công nghệ May & Thời trang
- Các phòng thí nghiệm/xưởng thực hành
- Khu vực làm việc Khoa Công nghệ May & TT
Tiêu chí đánh giá thực hành tốt 5S được chia thành 7 nhóm yêu cầu và sắp xếp theo mô hình cấu trúc như sau:
1. Vai trò của lãnh đạo
2. SEIRI - Sàng lọc
3. SEITON - Sắp xếp
4. SEISO - Sạch sẽ
5. SEIKETSU - Săn sóc
6. SHITSUKE - Sẵn sàng
7. Kết quả thực hành 5S
Trong đó, mỗi tiêu chí phản ánh thông qua kết quả đánh giá về chính sách và thực hành 5S thực tế. Cụ thể, thực hành 5S sẽ được đánh giá tại các khu vực sau:
Khu vực văn phòng:
- Sàn nhà
- Sắp xếp đồ đạc thiết bị
- Sắp xếp hồ sơ
- Trang trí, sắp đặt, chỉ dẫn và môi trường làm việc trong văn phòng
Hình 1. Văn phòng Khoa - Khoa Công nghệ May & Thời trang
Hình 2. Văn phòng Bộ môn/Trung tâm - Khoa Công nghệ May & Thời trang
Khu vực xưởng thực hành
- Sàn nhà
- Máy móc, thiết bị tại xưởng
- Trang thiết bị và nơi làm việc của giảng viên tại xưởng
- Nguyên vật liệu/bán thành phẩm/thành phẩm
- Các bảng thông báo/kiểm soát trực quan
Hình 3. Xưởng thực hành - Khoa Công nghệ May & Thời trang
Khu vực phòng thí nghiệm
- Sàn nhà
- Trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, hóa chất và một số vật dụng khác
- Thiết kế tài liệu hướng dẫn
- Nơi làm việc của giảng viên tại xưởng
- Các bảng thông báo/kiểm soát trực quan
Hình 4. Phòng Thí nghiệm - Khoa Công nghệ May & Thời trang
Khu vực xung quanh
- Kiểm soát vệ sinh, an toàn
- Đảm bảo cảnh quan môi trường
- Khu vực khác
Hình 5. Khu hành lang - Khoa Công nghệ May & Thời trang
Tùy theo lĩnh vực hoạt động và loại hình tổ chức, phạm vi đánh giá 5S sẽ được xác định cụ thể. Số lượng và nội dung các tiêu chí trong mỗi khu vực đánh giá 5S sẽ thay đổi theo tính chất hoạt động của tổ chức đó. Tại mỗi khu vực, việc đánh giá 5S sẽ được tiến hành theo từng nội dung chi tiết và kết quả được tính bằng số điểm cho từng nội dung chi tiết.
Sau thời gian thực hiện 5S tại khoa Công nghệ May & Thời trang, kết quả đã tạo ra sự thay đổi tích cực. Những thứ không cần thiết sẽ được loại bỏ khỏi nơi làm việc, những vật dụng cần thiết được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, đặt ở những vị trí thuận tiện cho người sử dụng. Thiết bị, máy móc và đồ dùng được duy trì bảo dưỡng, bảo quản và sắp xếp một cách khoa học, dễ dàng tìm thấy và trả lại. Điều này giúp giảng viên, sinh viên trong khoa tiết kiệm thời gian tìm kiếm. Từ đó, góp phần truyền cảm hứng đến người dạy và người học. Thông qua những hoạt động chung của nhà trường, 5S nâng cao tinh thần tập thể, khuyến khích sự hòa đồng của Thầy/Cô, sinh viên có thái độ tích cực và trách nhiệm học tập.
Nguồn Khoa Công nghệ May & Thời trang – Trường Đại học SPKT Hưng Yên